Đầu in máy in tem mã vạch là bộ phận quan trọng trong máy in tem vì quyết định chất lượng, độ sắc nét của mã vạch in ra. Do đó, hoạt động vệ sinh đầu in là công việc cần thiết. Song vệ sinh như thế nào là đúng cách để giúp tăng tuổi thọ đầu in? Hãy cùng theo dõi các bước vệ sinh đầu in máy in tem mã vạch sau đây.
Lý do cần vệ sinh đầu in máy in mã vạch
Đầu in mã vạch là một trong những bộ phận quan trọng nhất trong máy in mã vạch. Thông thường một chiếc đầu in mã vạch rất có giá trị chiếm đến ½ hoặc ⅓ giá bán của máy in mã vạch. Đầu in là bộ phận trực tiếp tạo thông tin lên giấy in mã vạch. Tem nhãn mã vạch in ấn ra có đẹp hay không phụ thuộc toàn bộ vào bộ phận này.
Đây là bộ phận làm nhiều việc nhất của máy in mã vạch cũng là bộ phận chịu điều kiện làm việc khắc nghiệt nhất như nhiệt độ cao, chịu mài mòn – ma sát lớn, làm việc liên tục. Vì vậy, đầu in mã vạch có thời gian bảo hành rất ít so với thân máy (bảo hành 03 tháng theo tiêu chuẩn nhà sản xuất). Chỉ khi gặp vấn đề về kỹ thuật, lỗi từ nhà sản xuất thì đầu in mới được chấp nhận bảo hành. Tình trạng trầy xước và hư hỏng đầu in trong quá trình sử dụng không được chấp nhận trong điều kiện bảo hành.
Một khi đầu in đã xước thì bạn không thể dùng để tiếp tục in ấn bởi tem nhãn sau khi in chữ, số sẽ bị đứt đoạn mực, mất nét trông rất xấu. Nên việc đảm bảo cho đầu in không bị xước là điều quan trọng.
Do đó, cần vệ sinh đầu in máy in mã vạch để kịp thời loại bỏ những yếu tố có thể gây xước đầu in như bụi bẩn hay làm sạch đầu in giúp việc các điểm đốt thông thoáng từ đó tạo ra các điểm mực in chất lượng.
Hướng dẫn các bước vệ sinh đầu in máy in tem mã vạch
Vệ sinh đầu in máy in tem mã vạch là chưa đủ, bạn cần thực hiện các bước vệ sinh đúng cách, đúng quy trình để không làm “tổn thương” đến đầu in, bởi bộ phận này khá nhạy cảm với các tác động từ ngoại lực. Cùng xem các bước vệ sinh đầu in máy in tem mã vạch sau:
Bước 1: Tắt nguồn máy in mã vạch
Tắt nguồn máy in mã vạch bằng cách tắt công tắc của máy. Thông thường công tắc này sẽ được đặt cạnh cụm cổng kết nối hoặc một số khác được đặt ở bên hông.
Cần phải tắt nguồn máy in mã vạch đảm bảo máy in mã vạch ngừng hoạt động. Vì công việc vệ sinh đầu in máy in mã vạch cần phải làm việc với đầu in máy, việc để điện vẫn chạy trong máy sẽ gây nguy hiểm cho người làm vệ sinh và chính bản thân thiết bị cho dù là thiết bị đang không nhận lệnh in nào.
Bước 2: Tháo giấy decal, mực in đang được lắp trong máy
Đầu tiên là mở cụm đầu in lên. Nhà sản xuất đã thiết kế sẵn phần bẩy ở đầu in để việc mở cụm đầu in được dễ dàng hơn, bạn chỉ cần ấn phần bẩy này là được.
- Với giấy in:
Nới lỏng phần nẹp giấy bên dưới đầu in với dòng để bàn. (Dòng công nghiệp bỏ qua bước này).
Cuốn ngược cuộn giấy về phía sau đến khi giấy được cuộn lại hết thì lấy cuộn giấy ra khỏi máy.
- Với mực in:
Ở dòng máy in tem để bàn: Bắt đầu từ trục thu mực, sẽ đẩy nhẹ về bên hông và kéo nhẹ trục thu ra ngoài, trục mực cũng làm tương tự và lấy ra khỏi máy.
Ở dòng máy in tem công nghiệp: Xé rách phần mực in đang bao qua đầu in (lưu ý lúc xé nên thả lỏng mực in ra rồi mới xé, không nên xé quá sát đầu in dễ khiến tình trạng xước). Sau đó tháo mực khỏi máy in.
Bước 3: Chuẩn bị dụng cụ vệ sinh đầu in máy in mã vạch
Bông gòn: dạng khô hoặc bông gòn tẩm cồn được đóng gói sẵn trong các túi nhỏ.
Cồn ý tế 90 độ (dùng cho bông gòn khô).
Theo đó, khi bắt đầu vệ sinh đầu in hãy tẩm cồn vào bông gòn. Lưu ý chỉ để bông gòn vừa ẩm, không nên để bông gòn nhỏ nước sẽ khiến cồn chảy vào trong các phần linh kiện khác của máy in.
Bước 4: Lau đầu in máy in mã vạch theo 1 chiều duy nhất
Nguyên tắc vệ sinh đầu in: Lau một lần, theo một chiều. Nếu bạn thuận chiều từ trái sang phải thì hãy lau theo theo chiều này (hoặc chiều ngược lại) và sử dụng một miếng bông lau trong một lần. Lý do không sử dụng lại miếng bông và lau chùi qua lại nhiều lần bởi nó khiến cho bụi bẩn bám trên bông ma sát có thể gây xước đầu in.
Thực hiện lau chùi, vệ sinh đầu in đến khi miếng bông không còn cặn bẩn. Khi đó, đầu in đã được làm sạch hoàn toàn, cho phép in ấn tem nhãn mã vạch có chất lượng in ấn đẹp nhất.
Bước 5: Vệ sinh cả trục roller
Ngoài việc vệ sinh đầu in thì bạn cũng cần chú ý vệ sinh trục roller ở bên dưới và vệ sinh chúng. Bởi sau khi đầu in được là sạch nhưng trục roller ở phía dưới còn bụi bẩn thì khi in chúng sẽ lại bám trên đầu in.
Vệ sinh trục roller đơn giản hơn đầu in rất nhiều. Bạn cũng sử dụng bông gòn y tế được làm ẩm bằng cồn lau chùi xung quanh trục roller nhưng có thể chùi theo nhiều hướng khác nhau cho đến khi sạch hết cặn bẩn. Có thể lăn trục roller để vệ sinh các mặt khuất nhưng lưu ý chờ cồn bay hơi hết trước khi lăn trục.
Bước 6: Lắp lại giấy decal, mực in
Sau khi vệ sinh đầu in mã vạch xong nên chờ cho phần cồn bám trên máy bay hơi và khô hẳn rồi mới lắp giấy mực in lại.
Khi lắp giấy, mực in cần đảm bảo:
Lắp đúng nguyên tắc mặt giấy áp vào mặt mực in.
Mực in căng, không nhăn và không bị lệch.
Sau khi lắp xong giấy mực in là bạn đã hoàn thành toàn bộ quá trình vệ sinh đầu in máy in tem mã vạch. Bây giờ chỉ cần bật nguồn, ấn nút FEED để kiểm tra máy có hiểu giấy hay không. Nếu có giấy in chạy ra thì có thể truyền lệnh in và để máy vận hành. Nếu giấy không chạy ra hoặc sau khi vệ sinh đầu in bạn lắp cuộn giấy có quy cách mới cần phải thực hiện Calibration để máy hiểu giấy.
Khi nào và tần suất vệ sinh đầu in máy in mã vạch
Cần vệ sinh đầu in sau khi sử dụng nhằm loại bỏ các phần bụi giấy, cặn mực bám lại trên đầu in sau khi in làm việc, đặc biệt là ở các doanh nghiệp, tổ chức cho máy in làm việc liên tục.
Thông thường máy in in được 3 đến 5 cuộn giấy in 50 mét thì nên tiến hành vệ sinh đầu in 1 lần. Tuy nhiên nếu môi trường có nhiều bụi thì tần suất này nên tăng lên (2 cuộn giấy vệ sinh 1 lần) và ngược lại với các điều kiện làm việc lý tưởng thì giảm xuống ( 7 - 10 cuộn giấy vệ sinh 1 lần).
Đối với trường hợp lâu lâu mới cần dùng đến máy in tem thì nên vệ sinh đầu in sau khi in và trước khi in để vừa kiểm tra bên trong máy, loại bỏ phần bụi bẩn bám vào đầu in trong quá trình lưu trữ thiết bị.
Lưu ý khi vệ sinh đầu in máy in tem mã vạch
Khi vệ sinh đầu in máy in tem mã vạch để đảm bảo không làm ảnh hưởng đến đầu in (làm xước đầu in) thì bên nên lưu ý:
Móng tay phải được cắt tỉa gọn gàng. Tốt nhất nên cắt móng tay vừa sát phần thịt và không sử dụng sơn móng hoặc đính đá trên móng.
Tay không đeo phụ kiện đặc biệt là nhẫn, đồng hồ.
Khi làm sạch đầu in chỉ lau theo 1 chiều duy nhất và thay bông tẩm cồn sau 1 lần lau (hoặc lật mặt bông chưa lau).
Bên cạnh đó thì việc sử dụng giấy - mực in chất lượng, bảo quản máy ở các khu vực ít bụi bẩn độ ẩm là điều cần thiết giúp tăng tuổi thọ đầu in.
Trên đây là hướng dẫn cách vệ sinh đầu in của máy in tem nhãn mã vạch, quý khách đọc tham khảo để sử dụng tốt cho máy in mã vạch. Với phương châm "Của bền tại người", quý khách áp dụng cách làm cho tất cả các dòng máy in mã vạch, chúc bạn thành công!
Khang Nguyên cung cấp sản phẩm máy in tem nhãn, máy in mã vạch chính hãng Godex, TSC, Xprinter. Để mua máy in mã vạch dùng in tem phụ sản phẩm, in tem mã vạch, in tem mã vạch số nhảy, vui lòng liên hệ Hotline 0918.229.893 để nhận được tư vấn, báo giá tốt nhất. Mời quý khách xem tại danh mục MÁY IN MÃ VẠCH